Hội nghị đánh giá công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên
Lượt xem: 115


 

(binhthuan.gov.vn) Sáng ngày 25/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn (2013 - 2023), nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có bà Nguyễn Thị Toàn Thắng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan.

 

 

Trong 10 năm qua (2013 - 2023), hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong cả nước đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương và các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, việc xã hội hoá trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hoá trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

 

Đến năm 2023, cả nước hiện có 38.994 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, trong đó có 13.385 cơ sở giáo dục mầm non; 12.182 trường tiểu học; 8.925 trường THCS; 2.302 trường THPT và 2.200 trường phổ thông có nhiều cấp học. Về số phòng học, đến năm 2023 cả nước có 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013, trong đó số phòng học kiên cố hoá là 545.375 phòng, đạt tỷ lệ 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013, cụ thể: Mầm non có 142.177 phòng học, tỷ lệ kiên cố hoá là 83,0%, tăng 35,3% so với năm 2013; tiểu học có 254.967 phòng học, tỷ lệ kiên cố hoá là 83,2%, tăng 21,6% so với năm 2013; THCS có 125.001 phòng học, tỷ lệ kiên cố hoá là 94,9%, tăng 14,4% so với năm 2013; THPT có 60.514 phòng học, tỷ lệ kiên cố hoá là 97,0%, tăng 6,6% so với năm 2013. Các trường phổ thông có nhiều cấp học có 45.912 phòng học, tỷ lệ kiên cố hoá trung bình khoảng 83,0%.

 

Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố hoá bình quân của cả nước từ 83% trở lên (theo từng cấp học). Tuy nhiên, các vùng Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ kiên cố hoá thấp hơn bình quân của cả nước.

 

Việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng làm tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia trong cả nước. Tính đến tháng 7/2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia cấp học mầm non của cả nước là 56,9%, cấp tiểu học là 62,8%; cấp trung học cơ sở là 72,3%; cấp trung học phổ thông là 49,6%; trường phổ thông nhiều cấp học là 44,2%.

 

Tại tỉnh Bình Thuận, trong những thời gian qua đã thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường học, do đó nhiều trường học được sửa chữa, xây dựng mới với tiêu chuẩn cao, đảm bảo môi trường dạy và học tập an toàn, tiện nghi cho thầy cô và học sinh. Tính đến cuối năm 2023, cấp học mầm non của tỉnh Bình Thuận có 141 trường, với 1.507 phòng chăm sóc, nuôi dạy trẻ, tỷ lệ kiên cố hóa là 69,21%; số trẻ em là 43.775 em; số phòng công vụ cho giáo viên là 35 phòng với tỷ lệ kiên cố hóa là 100%. Cấp học tiểu học có 235 trường với 3.805 phòng học, tỷ lệ kiên cố hóa là 89,33 %; số học sinh là 119.524 em; số phòng công vụ cho giáo viên là 33 phòng với tỷ lệ kiên cố hóa là 100%. Cấp học THCS có 131 trường với 2.010 phòng học, tỷ lệ kiên cố hóa là 95,27%; số học sinh là 82.101 em; số phòng công vụ cho giáo viên là 69 phòng với tỷ lệ kiên cố hóa là 100%. Cấp học THPT có 26 trường với 830 phòng học, tỷ lệ kiên cố hóa là 100%; số học sinh là 37.501 em; số phòng công vụ cho giáo viên là 6 phòng với tỷ lệ kiên cố hóa là 100%.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, vận động sự tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức vào công tác xã hội hoá giáo dục; trong đó, chú trọng kiên cố hóa trường học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên. Việc kiên cố hoá trường học cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện Ngành Giáo dục và Đào tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học phù hợp để đầu tư và huy động nguồn vốn thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn; bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các Tiểu dự án liên quan đến Ngành Giáo dục và Đào tạo trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho Ngành Giáo dục và Đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các khu vực khó khăn.

 

 

Nguyễn Phương

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1