Bắc Bình chú trọng triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
(binhthuan.gov.vn) UBND huyện Bắc Bình ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện Thực
hiện Kế hoạch số 2377/KH-UBND ngày 03/7/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về Triển
khai thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ
về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm
2030.
Việc ban hành kế hoạch nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm
của các cơ quan, ban, ngành, UBND các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan
trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp triển khai thực hiện tín
dụng chính sách xã hội đảm bảo tính đồng bộ, khả thi và hiệu quả. Đồng thời, tăng
cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền trong xây dựng, triển khai thực hiện
cơ chế chính sách và bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội; tạo điều
kiện để Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai thực hiện
có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể như sau:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách
xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý
tín dụng chính sách đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn huyện;
phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội.
Hằng năm, ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân
hàng Chính sách xã hội huyện để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng
chính sách khác chiếm khoảng 15% - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách xã
hội được giao. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương
chiếm tối thiểu 15%/tổng nguồn vốn (trong đó nguồn vốn ủy thác huyện chiếm tỷ
lệ trên 4%).
Thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã
hội và các chương trình tín dụng đặc thù theo điều kiện thực tế tại địa phương;
đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện
đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do Ngân hàng Chính sách xã
hội cung cấp; nghiên cứu, đề xuất mở rộng cho vay các đối tượng đặc thù của
huyện, các đối tượng khó khăn chưa được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu
đãi; tăng trưởng dư nợ đi đôi với đảm bảo nâng cao chất lượng hiệu quả tín dụng
chính sách.
Xây dựng đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội có đạo
đức nghề nghiệp, có đầy đủ kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; ứng dụng mạnh mẽ
công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong điều hành, tác nghiệp; triển khai kịp
thời các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm phục vụ tốt hơn
các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh
tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn
và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu
này, kế hoạch đề ra các nhóm giải pháp cụ thể như sau: Tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tập trung huy động nguồn lực để
thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; triển khai
thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; tiếp
tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín
dụng chính sách đặc thù; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám
sát; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao năng
lực quản lý và xử lý nợ rủi ro; đẩy mạnh ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu phát
triển của Ngân hàng Chính sách xã hội; tăng cường công tác truyền thông về tín
dụng chính sách./.
Hữu Tri