Bệnh dại gia tăng, người dân cần chủ động tiêm phòng kịp thời để tránh những sự cố đáng tiếc
Lượt xem: 770
Anh-tin-bai

(binhthuan.gov.vn) Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 22 ca tử vong nghi dại/do dại. Con số này tăng gấp 02 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bộ Y tế cho biết, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương trong khi đó chính tâm lý chủ quan, ngại không tiêm phòng cho chính bản thân khi bị động vật cắn hay tiêm phòng cho vật nuôi đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ báo động.

Từ huyện Hàm Thuận Nam đưa người thân đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm mũi vắc xin phòng bệnh dại theo đúng lịch hẹn, chị Triệu Thị Thúy Phượng cho biết mẹ của chị bị chó nuôi trong nhà cắn khi đang cho ăn.

“Vết thương bị cắn tuy không sâu, nhưng để an toàn nên mình đưa mẹ đi chích ngừa”, chị Phượng chia sẻ.

Khác với trường hợp của chị Phượng, em Phan Ngọc Mỹ Trinh, sinh sống tại xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc bị chó thả rông cắn vào bắp chân phải trong lúc đang trên đường đi học về, về thương khá sâu và gây nhức. Sau khi báo với gia đình, em đã được người thân đưa đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

“Vết thương gây nhức rất khó chịu, em không biết con chó đó có dại hay không nên rất lo lắng và báo cho gia đình”, em Trinh chia sẻ.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, tại Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96 – 97%, sau đó là mèo với tỷ lệ từ 03 - 04%. Có thể thấy chó là nguyên nhân gây ra bệnh dại hàng đầu, tuy nhiên không khó để thấy tình trạng chó thả rông không được rọ mõm tại các khu dân cư hoặc trên đường phố. Tình trạng này phần nào cũng làm gia tăng nguy cơ gây bệnh dại cho người dân.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 04 ca tử vong do dại, tăng 01 trường hợp so với năm 2022. Đáng chú ý, chỉ trong 03 tháng đầu năm 2024, đã ghi nhận 03 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh dại đều do bị chó dại cắn tại huyện Hàm Tân, thị xã La Gi và huyện Hàm Thuận Nam.

Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thể phòng hoặc điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tùy vào vị trí vết thương, mức độ và đối tượng bị động vật cắn, các bác sĩ sẽ có sự chỉ định phù hợp. Tiêm phòng kịp thời khi bị chó, mèo nghi dại cắn là biện pháp tốt nhất để phòng, chống bệnh dại ở người.

Thông tin thêm về sự nguy hiểm của bệnh dại, Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Mỹ Ngọc – Trưởng phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Đối với bệnh dại, thời gian ủ bệnh thông thường là từ 02 đến 03 tháng, ngắn hơn có thể dưới 01 tuần và có thể có thể kéo dài lên đến 01 năm. Bệnh nhân khi mắc bệnh thường có các triệu chứng như là đau đầu, sốt cao, sợ nước, sợ gió, khó nuốt. Bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng não và dẫn đến tử vong 100%”.

Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn chưa hiểu rõ về bệnh dại nên chủ quan trong việc tiêm phòng hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến mạng. Bên cạnh đó, việc tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó dại cắn cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Theo khuyến cáo của ngành y tế, tiêm trong vòng 06 giờ được xem là tiêm phòng sớm còn tiêm sau 06 giờ được gọi là tiêm phòng muộn. Đây cũng là khoảng thời gian tối thiểu để tiêm phòng dại.

Theo bác sĩ Võ Thị Trâm, đang công tác tại Phòng khám đa khoa, Trung Tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Qua khảo sát đánh giá vừa rồi của Trung tâm, đa phần các trường hợp tử vong do bệnh dại là do nhận thức của người dân về bệnh dại chưa được đúng. Khi chúng ta có những yếu tố nguy cơ phơi nhiễm với bệnh dại hoặc có vết thương do chó, mèo cắn, cào, thì cần phải nhanh chóng được tiêm ngừa và tiêm bằng vắc xin đặc hiệu”.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn, vừa qua UBND tỉnh đã có công văn chi đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023-2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026-2030.

Song song với công tác tiêm ngừa cho vật nuôi, người dân cần chủ động hơn trong việc tiêm phòng bệnh dại. Khi bị chó hoặc động vật cắn, cào, liếm vào vết xước, tuyệt đối không chủ quan, không chữa dại bằng thuốc nam, thuốc đông y hoặc đắp, sát các loại lá lên vết thương. Thay vào đó, cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút. Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn y tế 70 độ, xà phòng... khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể./.

Hữu Tri

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1