(binhthuan.gov.vn) Tình hình dịch
COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4/2023 đến nay. Đáng
chú ý, từ ngày 18/4, trung bình mỗi ngày toàn quốc ghi nhận trên 1.500 ca mắc
mới. Trước tình này, người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch
COVID-19, nhất là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Ghi nhận tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh – nơi đang chăm
sóc nhiều đối tượng yếu thế của xã hội; trong đó có nhiều người cao tuổi,
có bệnh nền, thường xuyên ốm đau. Trước tình hình số ca mắc COVID-19
trong nước có chiều hướng gia tăng, Trung tâm đã liên tục duy trì công
tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc, khử trùng hàng tuần và theo kế hoạch định
kỳ. Những ngày qua, việc kiểm tra thân nhiệt người ra vào trung tâm được triển
khai thực hiện trở lại nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho các đối tượng
yếu thế đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đây.
Anh Lê Tuấn Vũ, nhân viên y tế của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh,
cho biết: “Trong tình hình hiện tại, nhân viên y tế của trung tâm phải
thường xuyên thăm khám cho người trong trung tâm hằng ngày để kịp thời
phát hiện các trường hợp nhiễm COVID-19; tiến hành điều trị tại chỗ
cho cụ nào bị nhiễm. Hàng tuần, trong quá trình thăm khám sức khỏe
cho các cụ, nhân viên y tế thường xuyên thông tin về tình hình dịch COVID-19
trong và ngoài nước đến cho các cụ và dặn dò các cụ phải chú ý
giữ gìn sức khỏe. Bản thân tôi, cũng đã tiêm đủ 04 mũi vắc xin phòng
COVID-19, thường xuyên tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm thông
điệp 2K”.
Trước thông tin số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng
trở lại, bà Nguyễn Thị Tiền, người cao tuổi được nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi
dưỡng Phan Thiết của Trung tâm đã bày tỏ sự lo lắng. “Dịch COVID-19 giờ
đã quay trở lại, ai cũng phải cảnh giác đề phòng. Bản thân tôi hằng
ngày phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế gặp người lạ. Thường
xuyên vệ sinh môi trường xung quanh mình sạch sẽ”, bà Tiền chia sẻ.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 11 ca mắc COVID-19.
Tuy nhiên, số ca mắc thực tế có thể cao do đa số ca mắc COVID-19 hiện nay không
có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ; đồng thời người dân không thực hiện
xét nghiệm hoặc không khai báo nên hệ thống giám sát gặp khó khăn trong việc nắm
bắt được đầy đủ thông tin. Đáng lưu ý, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng
COVID-19 ở một số đối tượng của tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra (tiêm
mũi 2 cho trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi chỉ mới đạt khoảng 63%; mũi
nhắc lại cho trẻ từ 12 đến 18 dưới 18 tuổi đạt khoảng 47%). Vì vậy,
rất tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 nếu không tiếp tục thực hiện nghiêm
túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hiện hành.
Hiện tại, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo hệ thống y tế toàn
ngành chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân và chủ động
nâng cao năng lực điều trị, nhất là năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng
yêu cầu điều trị.
Thông tin về công tác ứng phó với dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở
Y tế Lê Văn Hồng, cho biết: “Ngành y tế sẽ tăng cường các biện pháp
phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; cập nhật thường xuyên thông tin
về tình hình dịch bệnh. Ngành cũng sẽ khuyến cáo người dân thường
xuyên đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương
tiện giao thông công cộng và các sự kiện tập trung đông người, đặc
biệt là vào dịp nghỉ lễ 30/4 tới đây. Bên cạnh đó, ngành sẽ chủ
động giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; sẵn
sàng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra
trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiêm vắc xin phòng
COVID-19 cho các nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ
cao”.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người cao tuổi và người có bệnh nền,
người bị suy giảm miễn dịch thuộc nhóm những người có nguy cơ cao dễ chuyển biến
nặng và có nguy cơ tử vong và cần được tập trung ưu tiên bảo vệ. Chính vì
thế, người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao cần tuân thủ việc tiêm vắc
xin phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều theo các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trước tình hình dịch bệnh có xu hướng quay trở lại, người
dân cần phải chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống
dịch để giảm bớt sự lây nhiễm, hạn chế dịch bùng phát trên diện rộng,
gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chính bản thân mình cũng như sự
phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Hữu
Tri