(binhthuan.gov.vn) Mức thu phí sử dụng đường bộ mới áp
dụng từ 01/02/2024; các cơ sở giáo dục được lựa chọn
sách giáo khoa; quy định về giấy tờ nhân thân khi đi
máy bay từ 15/02/2024;... là những chính sách mới có hiệu
lực từ tháng 02/2024.
Ban hành quy định mới về phòng, chống tiền giả và bảo
vệ tiền Việt Nam
Chính phủ ban hành Nghị định 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023
quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền
Việt Nam, trong đó quy định điều kiện, tiêu chuẩn sao,
chụp tiền Việt Nam có hiệu lực từ ngày 02/02/2024.
Theo qui định này, Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện
sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam phải đáp ứng một
trong 04 điều kiện, tiêu chuẩn sau:
- Sao, chụp một phần hình ảnh, hoa văn của tiền Việt
Nam không vượt quá 1/3 diện tích mặt trước hoặc mặt
sau tờ tiền;
- Sao, chụp hình ảnh một mặt đồng tiền Việt Nam với
kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền
giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 75%
hoặc lớn hơn 150% kích thước của tiền thật cùng mệnh
giá;
- Sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với
kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền
giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 50%
hoặc lớn hơn 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh
giá;
- Sao, chụp hình ảnh thành bản điện tử để đưa lên
không gian mạng có độ phân giải tối đa không vượt
quá 72dpi với kích thước tương đương tiền thật cùng
mệnh giá.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân",
"Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa
phi vật thể
Chính phủ ban hành Nghị định 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023
quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân
dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản
văn hóa phi vật thể.
Đối tượng áp dụng:
+ Cá nhân là người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành,
truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật
thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ
văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán
xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức
dân gian; nghề thủ công truyền thống (*).
+ Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan tới
hoạt động xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân",
"Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa
phi vật thể.
+ Nghị định này không áp dụng đối với cá nhân là
người Việt Nam đang nắm giữ, thực hành, truyền dạy
và phát huy giá trị di sản văn hóa trong lĩnh vực nghề
thủ công mỹ nghệ.
Danh hiệu "Nghệ nhân Nhân dân" trong lĩnh vực di
sản văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân quy
định tại (*) nêu trên đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương
của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc
sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong
thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được
đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.
3- Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt
xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi
vật thể được tôn vinh; có cống hiến to lớn được
ghi nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị loại
hình di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm
giữ, thể hiện ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức,
bí quyết, kỹ năng thực hành về loại hình di sản văn
hóa phi vật thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất
có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật,
thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các
giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển
văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước; truyền dạy
được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ và
phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản
văn hóa phi vật thể được tặng cho cá nhân quy định
tại (*) nêu trên đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1- Trung thành với Tổ quốc; chấp hành tốt chủ trương
của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt; gương mẫu trong cuộc
sống; tâm huyết, tận tụy với nghề; mẫu mực trong
thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; được
đồng nghiệp và Nhân dân ghi nhận, mến mộ.
3- Có tài năng hoặc kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt
xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình di sản văn hóa phi
vật thể được tôn vinh; có cống hiến lớn được ghi
nhận cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản
văn hóa phi vật thể do cá nhân đang nắm giữ, thể hiện
ở việc hiểu biết, nắm giữ tri thức, bí quyết, kỹ
năng thực hành về loại hình di sản văn hóa phi vật
thể; có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị
về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ,
kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị
của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa,
kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương; truyền
dạy được nhiều cá nhân đã hoặc đang tham gia bảo vệ
và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
4- Có thời gian hoạt động liên tục hoặc cộng dồn từ
15 năm trở lên liên quan đến việc bảo vệ và phát huy
giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Nghị định 93/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày
15/02/2024.
Mức thu phí sử dụng đường bộ mới áp dụng từ
01/02/2024
Có hiệu lực từ ngày 01/02/2024, Nghị định số
90/2023/NĐ-CP ngày 13/12/2023 của Chính phủ quy định mức
thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí
sử dụng đường bộ; trong đó, Nghị định quy định rõ
mức thu phí sử dụng đường bộ đối với từng loại
phương tiện.
Nghị định số 90/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức
thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí
sử dụng đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/02/2024.
Theo đó, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là
các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng
ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe),
kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận
an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: Xe ô
tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự (ô tô).
Xe ô tô nêu trên trong một số trường hợp không chịu
phí sử dụng đường bộ.
Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ
Nghị định quy định tính, nộp phí sử dụng đường bộ
theo chu kỳ kiểm định; nộp phí sử dụng đường bộ
theo năm dương lịch; nộp phí sử dụng đường bộ theo
tháng.
Các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa
Từ ngày 12/02/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức
trao quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho các cơ sở
giáo dục (trước đây là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)
theo quy định tại Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT.
Cụ thể tại Điều 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định
hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục
do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục hoặc Giám đốc trung
tâm giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm giáo dục
nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, người đứng đầu
các cơ sở giáo dục thành lập.
Mỗi cơ sở giáo dục thành lập 1 hội đồng lựa chọn
sách giáo khoa.
Việc lựa chọn sách giáo khoa dựa trên các nguyên tắc:
- Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã
được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt
để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.
- Mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn
học, hoạt động giáo dục được thực hiện ở cơ sở
giáo dục.
Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân
chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của
học sinh.
Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa là phù hợp với đặc
điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp
với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo
dục.
Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở
Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở mới
ban hành tại Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT chính thức có hiệu
lực thi hành từ ngày 15/02/2024.
Theo đó, điều kiện xét tốt nghiệp trung học cơ sở có
nhiều điểm mới như:
- Học sinh trung học cơ sở nghỉ quá 45 buổi vẫn được
tốt nghiệp.
Trước đây, để tốt nghiệp trung học cơ sở thì học
sinh không được nghỉ học quá 45 buổi học ở năm học
lớp 9 (nghỉ một lần/nhiều lần cộng lại).
- Bỏ xếp loại tốt nghiệp trung học cơ sở.
Trước đây, kết quả tốt nghiệp của học sinh được
xếp loại giỏi, khá, trung bình căn cứ vào hạnh kiểm
và học lực.
- Tổ chức xét tốt nghiệp trung học cơ sở 2 lần/năm.
Theo Điều 3 Thông tư 31, các cơ sở giáo dục thực hiện
Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở
được tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất
2 lần trong năm có học sinh học hết lớp 9.
Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực
hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận
tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước
khai giảng năm học mới.
Trong khi trước đây, các cơ sở giáo dục thực hiện
Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở
chỉ được xét tốt nghiệp 1 lần trong năm.
Quy chế này được áp dụng từ năm học 2024-2025.
Quy định mới về giấy tờ nhân thân khi đi máy bay từ
15/02/2024
Thông tư 42/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải sửa
đổi, bổ sung một số nội dung về giấy tờ nhân thân
khi đi máy bay từ 15/02/2024.
1. Hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến
bay quốc tế phải xuất trình một trong các loại giấy
tờ sau:
Hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc giấy tờ khác có
giá trị xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật
như thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ
căn cước công dân (nếu Việt Nam và quốc gia liên quan
ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép
công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước
công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ
của nhau)… (giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh theo
quy định).
Trường hợp trẻ em không có hộ chiếu riêng thì họ
tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ em được ghi
và dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp
luật, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc
người giám hộ.
2. Hành khách từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục
đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình
một trong các loại giấy tờ hoặc dữ liệu điện tử
có giá trị pháp lý tương đương sau:
+ Đối với hành khách mang quốc tịch nước ngoài: Hộ
chiếu (có dấu kiểm chứng nhập cảnh gần nhất) hoặc
giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (có dấu kiểm
chứng nhập cảnh gần nhất) và giấy tờ liên quan cư
trú tại Việt Nam (thị thực, thẻ thường trú, thẻ tạm
trú, thẻ đi lại doanh nhân APEC) trừ trường hợp được
miễn thị thực; chứng minh thư ngoại giao do Bộ Ngoại
giao cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ
quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế;
giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ kiểm soát an ninh cảng
hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn;
thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam; Tài
khoản định danh điện tử mức độ 2 của hành khách
(quy định mới).
Trường hợp hành khách mất hộ chiếu phải có công hàm
của cơ quan ngoại giao, lãnh sự của quốc gia hành khách
mang quốc tịch hoặc công văn của sở ngoại vụ (có xác
nhận của cơ quan công an địa phương nơi hành khách mất
hộ chiếu) xác nhận nhân thân và việc mất hộ chiếu
của hành khách, có dán ảnh, dấu giáp lai. Công hàm, công
văn xác nhận có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày
xác nhận;
+ Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam phải xuất
trình một trong các loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc
giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ
tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân;
giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân
đội nhân dân; thẻ Đại biểu Quốc hội; thẻ Đảng
viên; thẻ Nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, mô tô; thẻ
của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; thẻ
kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá
trị sử dụng dài hạn; thẻ nhận dạng của các hãng
hàng không Việt Nam; Tài khoản định danh điện tử mức
độ 2 của hành khách; giấy xác nhận nhân thân do cơ
quan công an xác nhận; giấy xác nhận của cơ quan có thẩm
quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành
xong bản án.
+ Hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi đến
trên 14 tuổi không quá 20 ngày có thể sử dụng các loại
giấy tờ đi tàu bay như đối với hành khách chưa đủ
14 tuổi.
3. Hành khách chưa đủ 14 tuổi khi làm thủ tục đi tàu
bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một
trong các loại giấy tờ sau:
+ Giấy khai sinh; trích lục hộ tịch; trích lục giấy
khai sinh (trích lục thông tin khai sinh); văn bản xác nhận
thông tin hộ tịch; trường hợp dưới 02 tháng tuổi chưa
có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh; Tài khoản
định danh điện tử mức độ 2 của hành khách (quy định
mới); thông tin nhân thân của hành khách trong Tài khoản
định danh điện tử mức độ 2 của bố hoặc mẹ hoặc
người giám hộ đi cùng chuyến bay.
+ Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ
em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng (chỉ có giá trị
sử dụng trong thời gian 06 tháng kể từ ngày xác nhận).
+ Giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận.
+ Thẻ Căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân, hộ
chiếu (hộ chiếu riêng hoặc kèm hộ chiếu của cha mẹ).
4. Hành khách là phạm nhân, bị can, người đang bị di
lý, dẫn độ, trục xuất khi làm thủ tục đi tàu bay chỉ
cần có giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh
việc áp giải; hành khách là người áp giải xuất trình
các loại giấy tờ theo quy định tại (1), (2) nêu trên.
Giấy tờ của hành khách sử dụng khi đi tàu bay quy định
nêu trên phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Là bản chính và còn giá trị sử dụng; hoặc bản điện
tử có giá trị pháp lý theo quy định;
+ Đối với giấy khai sinh, trích lục hộ tịch; trích lục
giấy khai sinh (trích lục thông tin khai sinh); văn bản xác
nhận thông tin hộ tịch; giấy chứng sinh phải là bản
chính hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của
pháp luật; hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý theo
quy định;
+ Không chấp nhận giấy tờ tại 1, 2, 3, 4 nêu trên nếu
giấy tờ không có ảnh hoặc ảnh không theo quy định của
pháp luật, trừ giấy khai sinh, giấy chứng sinh, trích lục
hộ tịch; trích lục khai sinh; văn bản xác nhận thông
tin hộ tịch, giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng
minh việc áp giải.
+ Nếu là tài khoản định danh điện tử mức độ 2,
giấy khai sinh điện tử của hành khách thì phải đảm
bảo khi xuất trình, tài khoản đang hoạt động bình
thường./.
Hữu Tri