Ngày 01/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2025/NĐ-CP quy định
chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành VBQPPL
(VBQPPL) và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành; Nghị
định quy định chi tiết Điều 7, Điều 31, khoản 1 Điều 32, Điều 34, khoản 1 Điều
36, Điều 69, khoản 4 và khoản 5 Điều 70 của Luật Ban hành văn bản quy quy phạm
pháp luật (sau đây gọi chung là Luật) và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi
hành Luật về xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình; việc cho ý kiến đối với luật,
nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
không do Chính phủ trình; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền
địa phương; đăng tải văn bản trên công báo điện tử, quản lý công tác xây dựng,
ban hành VBQPPL.
1.
Lấy ý kiến trong quá trình xây dựng VBQPPL: Nghị định
78/2025/NĐ-CP quy định: Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm đăng
tải dự án, dự thảo văn bản trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan
mình theo quy định của Luật và Nghị định này, trừ trường hợp nội dung VBQPPL
thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì
soạn thảo có trách nhiệm: Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học về chính sách,
dự án, dự thảo VBQPPL theo quy định của Luật và Nghị định này; xác định nội
dung lấy ý kiến phù hợp với từng đối tượng cần lấy ý kiến, nêu rõ địa chỉ tiếp
nhận ý kiến góp ý. Việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính
sách, dự án, dự thảo VBQPPL được thực hiện trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại
diện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính trị - xã hội, pháp luật về
hội. Hình thức lấy ý kiến bao gồm: Lấy ý kiến bằng văn bản; thông qua hội nghị,
phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức phù hợp khác; thông qua việc
đăng tải dự án, dự thảo VBQPPL trên cổng hoặc trang thông tin điện tử.
Cơ quan lập đề xuất
chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu tiếp
thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý; đăng tải bản tổng hợp ý kiến, tiếp thu,
giải trình ý kiến góp ý trên cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan mình
chậm nhất là 25 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến; thời gian đăng
tải ít nhất là 30 ngày.
2.
Truyền thông chính sách, dự thảo VBQPPL: Theo Nghị định 78/2025/NĐ-CP, việc
truyền thông được thực hiện từ thời điểm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động
trực tiếp về chính sách, dự thảo VBQPPL đến khi cơ quan nhà nước, người có thẩm
quyền thông qua hoặc ban hành, trừ VBQPPL có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà
nước, nội dung truyền thông bao gồm: Sự cần thiết ban hành chính sách, VBQPPL;
nội dung cơ bản (bao gồm nội dung mới, sửa đổi, bổ sung của chính sách, dự thảo
VBQPPL); nội dung khác (nếu có). Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ
trì soạn thảo xây dựng nội dung truyền thông theo quy định bảo đảm ngắn gọn, dễ
hiểu để đăng tải trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan mình và tổ
chức truyền thông bằng hình thức phù hợp.
3.
VBQPPL phải được đăng tải toàn văn, đầy đủ trên công báo điện tử: Nghị định nêu rõ, VBQPPL phải được đăng
tải toàn văn, đầy đủ, kịp thời, chính xác trên công báo điện tử theo quy định
tại Điều 9 của Luật.
Không đăng tải văn bản thuộc danh mục
bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước; điều ước quốc
tế có quy định về việc không đăng tải.
4. Văn bản đăng tải
trên công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm: (a) VBQPPL do cơ quan
nhà nước ở trung ương ban hành; (b) Văn bản bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành VBQPPL
trái pháp luật;
c) Văn bản công bố VBQPPL hết hiệu lực
toàn bộ hoặc một phần; danh mục văn bản, quy định hết hiệu lực thi hành; (d)
Điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam; (đ) Văn bản đính chính VBQPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành; (e)
Văn bản khác do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành. Việc đăng tải văn bản
quy định tại điểm này do cơ quan ban hành quyết định.
5. Văn bản đăng tải
trên công báo điện tử cấp tỉnh gồm: (a) VBQPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc
biệt, cấp huyện ban hành; (b) Văn bản do cơ quan, người có thẩm quyền xử
lý VBQPPL trái luật ban hành; (c) Văn bản đính chính VBQPPL do Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt, cấp huyện ban hành; (d) Văn bản công bố VBQPPL hết hiệu lực
toàn bộ hoặc một phần; danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành; (đ) Văn bản khác
do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị
hành chính - kinh tế đặc biệt, cấp huyện ban hành. Việc đăng tải văn bản quy
định tại điểm này do cơ quan ban hành quyết định.
6. Gửi văn bản đăng
tải trên công báo điện tử: Cơ
quan ban hành văn bản có trách nhiệm gửi bản chính văn bản đăng tải cùng bản
điện tử trong thời hạn quy định tại Điều 9 của Luật; việc đăng tải điều ước
quốc tế trên công báo thực hiện theo Luật Điều ước quốc tế. Văn bản ban hành
theo trình tự, thủ tục rút gọn phải được gửi đến Văn phòng Chính phủ, Văn phòng
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ngay trong ngày công bố hoặc ký ban hành để đăng tải
trên công báo điện tử. Cơ quan ban hành văn bản chịu trách nhiệm về việc không
gửi hoặc gửi chậm, gửi không đầy đủ, chính xác văn bản để đăng tải trên công
báo điện tử.
7. Thời hạn đăng tải
văn bản trên công báo điện tử: Trong
thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, Văn phòng Chính phủ có trách
nhiệm đăng tải văn bản trên công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam; Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, Văn phòng Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đăng tải văn bản trên công báo điện tử cấp
tỉnh; Văn bản ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn phải được đăng tải ngay
trên công báo điện tử khi nhận được văn bản./.
Hải
Lam Phương