image banner
Quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật
Lượt xem: 30

 

Ngày 01/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2025/NĐ-CP về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Theo đó, tại Chương II quy định về “Tổ chức thi hành pháp luật” (gồm 11 điều, từ Điều 4 đến Điều 14), quy định chi tiết và biện pháp thi hành về kế hoạch triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); hướng dẫn áp dụng VBQPPL; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành VBQPPL; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về VBQPPL; tiếp nhận và xử lý kiến nghị về VBQPPL; sơ kết, tổng kết việc thi hành VBQPPL; báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật; cung cấp thông tin về tổ chức thi hành pháp luật; kế hoạch theo dõi việc thi hành VBQPPL; thu thập thông tin về thi hành VBQPPL; kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật, cụ thể:

1. Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật: Điều 4 Nghị định quy định về các VBQPPL quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 phải được xây dựng kế hoạch triển khai thi hành. Đây là điểm mới trong việc quy định phương thức xác định loại VBQPPL bắt buộc phải xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành, tạo sự đồng bộ, thống nhất cho quá trình triển khai thực hiện. Quy định này dựa trên việc xác định đây là những VBQPPL trong quá trình ban hành đã phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách, thường có phạm vi, đối tượng chịu sự tác động lớn, đặt ra nội dung, yêu cầu trong tình hình mới hoặc làm hạn chế quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, để tổ chức thi hành các văn bản này bảo đảm công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả và góp phần gắn kết giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, văn bản sau khi thông qua hoặc ban hành phải có một lộ trình triển khai cụ thể, phù hợp, khả thi.

Đồng thời, Nghị định cũng có các quy định theo hướng mở, linh hoạt đối với những hình thức VBQPPL khác, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản đó sẽ quyết định việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành để bảo đảm sự phù hợp, tránh việc ban hành kế hoạch chồng kế hoạch, lãng phí, kém hiệu quả và tăng cường tính tự quyết định của các chủ thể có liên quan trong tổ chức thi hành pháp luật.

2. Hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: Điều 5 Nghị định bám sát nội dung quy định tại Điều 61 Luật Ban hành VBQPPL về hướng dẫn áp dụng VBQPPL. Bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc cơ quan ban hành VBQPPL là cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng VBQPPL, Nghị định đã làm rõ việc ủy quyền hướng dẫn áp dụng VBQPPL được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm phù hợp với thực tiễn thực hiện hoạt động hướng dẫn áp dụng VBQPPL thông qua cơ chế Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hướng dẫn áp dụng VBQPPL; Hội đồng nhân dân giao Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp thực hiện việc hướng dẫn áp dụng VBQPPL.
Bên cạnh đó, Nghị định đã quy định chi tiết trình tự, thời hạn thực hiện tiếp nhận và xử lý đề nghị, kiến nghị hướng dẫn áp dụng VBQPPL, trách nhiệm đăng tải văn bản hướng dẫn áp dụng VBQPPL trên Cổng, Trang thông tin điện tử của cơ quan hướng dẫn áp dụng hoặc trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

3. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật: Điều 6 Nghị định đã quy định theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành VBQPPL cũng như có sự phân công, phân cấp cụ thể cho từng chủ thể trong việc hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành VBQPPL, cụ thể:

- Cơ quan, người có thẩm quyền tự mình hoặc theo văn bản đề nghị hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện cung cấp thông tin, giải pháp, biện pháp, cách thức thực hiện quy định của văn bản quy phạm pháp luật cho từng trường hợp cụ thể.

- Thẩm quyền hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật: (i) Bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của mình cho tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp dưới; (iii) Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước phân công cơ quan, đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn và quy định trình tự hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định cụ thể việc tiếp nhận và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc công khai kết quả hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng, Trang thông tin điện tử của cơ quan mình hoặc bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

4. Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về văn bản quy phạm pháp luật: Điều 7 Nghị định xác định đối tượng được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về VBQPPL là cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo vị trí việc làm chịu sự điều chỉnh trực tiếp của VBQPPL. Đồng thời, để tạo sự thuận lợi, rõ ràng trong việc xác định trách nhiệm tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về VBQPPL, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Nghị định đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về văn bản quy phạm pháp luật.

5. Tiếp nhận và xử lý kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật Điều 8 Nghị định quy định một cách tổng thể, toàn diện về việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị về VBQPPL tạo sự kết nối, hệ thống trong việc tiếp nhận, xử lý kiến nghịTheo đó, Nghị định đã quy định theo hướng phân loại theo các trường hợp tiếp nhận, xử lý kiến nghị về VBQPPL và có quy định dẫn chiếu cụ thể, bảo đảm rõ cơ sở pháp lý cho việc triển khai, thực hiện:

- Trường hợp kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật được gửi trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật thì việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật.

- Trường hợp kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật được gửi trực tiếp bằng văn bản đến cơ quan, người có thẩm quyền hoặc qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân thì việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Trường hợp kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật thì việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị được thực hiện theo quy định về kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

6. Sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật: Để khắc phục tình trạng hoạt động sơ kết, tổng kết việc thi hành VBQPPL là một hoạt động phổ biến, cần thiết cho quá trình đánh giá sau một thời gian thi hành, phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhưng vẫn có khoảng trống khi chưa được quy định cụ thể, để hoạt động này đi vào nền nếp, vừa có tính linh hoạt vừa cụ thể trong triển khai thực hiện, Nghị định quy định cụ thể về trách nhiệm, thời gian, hình thức, nội dung của hoạt động sơ kết, tổng kết việc thi hành VBQPPL. Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tổ chức sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật quy định từ khoản 2 đến khoản 6 Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc liên tịch ban hành; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định việc tiến hành sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật dựa trên một trong hai căn cứ: (i) Theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó; (ii) Theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền.

Căn cứ vào tính chất của văn bản quy phạm pháp luật, nội dung, yêu cầu của việc sơ kết, tổng kết, cơ quan có trách nhiệm tổ chức sơ kết, tổng kết lựa chọn một trong hai hình thức: (i) Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết; (ii) Tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định cụ thể những nội dung cơ bản của báo cáo sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật: (i) Công tác chỉ đạo, triển khai và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (ii) Kết quả thi hành văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá ưu điểm, bất cập, hạn chế của văn bản quy phạm pháp luật; (iii) Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; (iv) Xác định những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; (v) Kiến nghị giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc, biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật; (vi) Những nội dung khác (nếu có).

7. Báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật: Để bảo đảm tính bao quát, toàn diện trách nhiệm của các chủ thể trong báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật, Nghị định không chỉ quy định trách nhiệm báo cáo của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà còn quy định cả trách nhiệm của các cơ quan ngoài cơ quan hành chính nhà nước trong việc báo cáo, cụ thể: (i) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao quản lý gửi về Bộ Tư pháp; (ii) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình gửi về Bộ Tư pháp; (iii) Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước phân công cơ quan, đơn vị tham mưu, xây dựng báo cáo và quy định nội dung báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình gửi về Bộ Tư pháp; (iv) Bộ Tư pháp giúp Chính phủ tổng hợp báo cáo của các cơ quan, xây dựng báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật trong phạm vi toàn quốc; (v) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cáo về tổ chức thi hành pháp luật theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền.

Ngoài ra, Nghị định đã bổ sung các Mẫu báo cáo để thống nhất thực hiện và dẫn chiếu phương thức gửi, nhận báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo thực hiện theo quy định của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

8. Cung cấp thông tin về tổ chức thi hành pháp luật luật: Điều 11 Nghị định đã quy định toàn diện trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác có liên quan trong việc tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, quy định cụ thể từng nội dung thông tin mà cơ quan hành chính nhà nước yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền cung cấp. Việc quy định về cung cấp thông tin về tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể trong phối hợp tổ chức thi hành pháp luật.

9. Kế hoạch theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật: Điều 12 Nghị định đã kế thừa những quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP trong việc xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và có sự phát triển, bổ sung cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Theo đó, Nghị định đã bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn để bảo đảm việc ban hành kế hoạch được kịp thời, đầy đủ, phù hợp với thực tiễn triển khai trong thời gian qua, cụ thể:

- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm sau, kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nội dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri và thực tiễn thi hành pháp luật, xây dựng kế hoạch theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành (sau đây gọi chung là kế hoạch trọng tâm, liên ngành), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 01/01 của năm kế hoạch.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch trọng tâm, liên ngành, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm sau, kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nội dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, kế hoạch trọng tâm, liên ngành hằng năm của Thủ tướng Chính phủ và thực tiễn thi hành pháp luật trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với các tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang Bộ trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành kế hoạch theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ và gửi về Bộ Tư pháp để theo dõi, tổng hợp.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch trọng tâm, liên ngành, căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách địa phương, kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp, kiến nghị của cử tri, kế hoạch trọng tâm, liên ngành hằng năm của Thủ tướng Chính phủ và thực tiễn thi hành pháp luật ở địa phương, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương và gửi về Bộ Tư pháp để theo dõi, tổng hợp.

10. Thu thập thông tin về thi hành văn bản quy phạm pháp luật: Điều 13 Nghị định đã quy định về các nguồn thông tin về thi hành VBQPPL; Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý kết quả trong phạm vi thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả thi hành VBQPPL thu thập được theo một hoặc một số nội dung sau đây: (i) Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới VBQPPL; (ii) Ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành VBQPPL; (iii) Giải thích Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (iv) Kiểm tra, rà soát, xử lý đối với VBQPPL trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp; (v) Hướng dẫn áp dụng VBQPPL; tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; (vi) Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm hiệu quả thi hành VBQPPL.
Các quy định về thu thập và xử lý thông tin về việc thi hành VBQPPL này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, quy định tại Luật Ban hành VBQPPL. Nghị định cũng đã sửa đổi theo hướng tăng thời gian Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo việc xử lý kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật và gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp, theo dõi từ 30 ngày lên 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xử lý kết quả thi hành VBQPPL.

11. Kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật: Trên cơ sở kế thừa các quy định còn hợp lý của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Nghị định đã bổ sung quy định về phạm vi trách nhiệm kiểm tra như sau: (i) Bộ Tư pháp kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành; (ii) Bộ, cơ quan ngang bộ kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc; (iii) Ủy ban nhân dân các cấp kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp dưới trong phạm vi địa bàn quản lý.

Đồng thời, Nghị định quy định trách nhiệm của tổ chức thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tham mưu về quản lý nhà nước hoặc giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện quản lý nhà nước theo chuyên ngành, lĩnh vực có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực; Cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật và việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung làm rõ nội dung kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm: (i) Việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật (nếu có), kế hoạch theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tổ chức thi hành pháp luật; (ii) Việc thực hiện các nội dung tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; việc thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật; (iii) Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành văn bản quy phạm pháp luật và tính chính xác, thống nhất trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (iv) Việc bảo đảm các điều kiện về tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất cho tổ chức thi hành pháp luật.

Nghị định cũng bổ sung các quy định về việc đôn đốc việc thực hiện kết luận kiểm tra, kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật. Hơn thế nữa, Nghị định đã quy định người có thẩm quyền đã ban hành kết luận kiểm tra quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra. Những quy định này của Nghị định sẽ góp phần khắc phục tình trạng chưa xử lý đến cùng kết quả thi hành VBQPPL đang tồn tại như một hạn chế, bất cập lâu nay, góp phần nâng cao năng lực phản ứng chính sách, kịp thời khắc phục các vướng mắc, bất cập của VBQPPL, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ./.

 

 

Hải Lam Phương

 

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1