Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Lượt xem: 367

(binhthuan.gov.vn) Sáng 9/10, Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương (PBGDPL) tổ chức diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và khoảng 3.700 đại biểu là lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân tại điểm cầu 63 tỉnh thành trong cả nước. Dự diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng PBGDPL Trung ương, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế theo hướng tạo hành lang pháp lý cho đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Để đáp ứng yêu cầu đó, cần phải thường xuyên rà soát các vấn đề pháp lý, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trong 9 tháng năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý. Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 4 Luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đã đề xuất Quốc hội sớm đẩy thời điểm có hiệu lực của 4 Luật liên quan đến đất đai, bất động sản từ ngày 01/8/2024, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp “lắng nghe tiếng nói” của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

“Với thông điệp: Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hy vọng diễn đàn sẽ tiếp tục khẳng định cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

 

Diễn đàn gồm 2 chủ đề chính, đó là: Các vấn đề pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; Các vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, làm sâu sắc hơn về: Vai trò của thể chế để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; thượng tôn pháp luật để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, tích cực cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; Sự tương tác giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề pháp lý phục vụ sự phát triển và bứt phá đi lên; Vấn đề thực thi, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.

 

 

Kết luận diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại diễn đàn mang tính khoa học; các đại biểu đã thẳng thắn nêu vấn đề và đề xuất các giải pháp. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quan điểm: Đổi mới tư duy trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy khơi thông nguồn lực; phân cấp, phân quyền một cách thực chất; đảm bảo đủ khả năng để những người được phân cấp, phân quyền thực hiện được công việc.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp các ý kiến; đồng thời tham mưu Chính phủ giao việc cho các bộ, ngành rà soát, trình sửa đổi các cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn. Các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến để nghiên cứu, xây dựng, chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo thực hiện. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan ban hành cần đề cao đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn trong việc xây dựng pháp luật. Về phía doanh nghiệp cũng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Được biết, đây là lần thứ 2 Diễn đàn được tổ chức, là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

TT Dân

Video tuyên truyền
  • Hướng dẫn nộp hồ sơ Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1