Để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trở thành chỗ dựa cho người bị bạo lực
Lượt xem: 401

(binhthuan.gov.vn) Bạo lực gia đình (BLGĐ) từ lâu không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống BLGĐ, rất cần sự quan tâm phối hợp của tất cả các cơ quan liên quan và các thành viên trong xã hội. Qua điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ công bố năm 2020 cho thấy: Có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng. Người bị bạo lực không tìm sự giúp đỡ từ các cơ quan chính quyền chủ yếu do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà. Điều đó dẫn đến họ tiếp tục chịu đựng, hoặc phản vệ theo cách tiêu cực để chống trả lại hành vi BLGĐ và nhiều trường hợp chịu hậu quả nặng nề, như con sát hại cha mẹ, vợ chồng sát hại nhau do tâm lý bức xúc dồn nén. Do vậy, Luật cần chú trọng cơ chế phối hợp trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tổ chức. Vì BLGĐ đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong việc hỗ trợ, tránh việc biện pháp không kịp thời, tương xứng với hành vi vi phạm dẫn đến người có hành vi vi phạm BLGĐ có tâm lý coi thường pháp luật.

 

Trên cơ sở đó, toàn bộ Chương III của Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023) là các điều khoản quy định về bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ, trong đó có nội dung liên quan đến chính quyền địa phương như: UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ là một trong những nơi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ; Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ hoặc nhận được báo cáo về hành vi BLGĐ của tổ chức, cá nhân; Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 03 ngày; Chủ tịch UBND cấp xã nơi người có hành vi BLGĐ cư trú quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp góp ý, phê bình người có hành vi BLGĐ trong cộng đồng dân cư…

 

 

Đối với việc soạn dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ 2022 có những nội dung đáng chú ý liên quan đến quy định cấm tiếp xúc đối với người có hành vi BLGĐ. Cụ thể, người bị BLGĐ, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị BLGĐ khi thấy hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bị BLGĐ thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực ra quyết định cấm tiếp xúc. Ngoài ra, khi có sự đồng ý của những người trên thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã nơi ra quyết định cấm tiếp xúc, trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích cho người bị BLGĐ là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người đang điều trị bệnh. Thời gian quyết định cấm tiếp xúc không quá 03 ngày cho mỗi lần kể từ thời điểm người có hành vi BLGĐ nhận quyết định và không quá 02 lần quyết định cấm tiếp xúc liên tiếp. Dự thảo quy định người bị cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã chỉ được tiếp xúc người bị BLGĐ khi có việc cưới, việc tang; gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng hoặc tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

 

Cũng theo dự thảo, khoảng cách cấm tiếp xúc là 50m nếu không có tường ngăn hoặc vách ngăn bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, người bị cấm tiếp xúc không được sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc sử dụng phương tiện, công cụ khác để thực hiện hành vi BLGĐ. Hiện nay, Nghị định 08/2009/NĐ-CP, ngày 04/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành quy định khoảng cách cấm tiếp xúc là 30m. Tại sao lại là con số 50m thay vì 30m trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống BLGĐ 2022? Theo giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo thì thực tiễn cho thấy một người bình thường có thể ném xa 30 - 50m, trường hợp đặc biệt có thể trên 50m và người trưởng thành chạy cự ly 100m mất khoảng 17 - 25 giây; vận động viên khoảng 10 - 15 giây. Như vậy, quy định ở khoảng cách không có vật cản với người bình thường ở khoảng cách 50m có thể được coi là an toàn. Mặt khác, trong điều kiện có vách ngăn kiên cố thì việc quy định khoảng cách là không cần thiết. Vì vậy, quy định như dự thảo vừa để bảo đảm an toàn cho người bị BLGĐ vừa là cơ sở để xác định vi phạm cấm tiếp xúc./.

 

 

Hải Lam Phương

 

 

Cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1