Giới thiệu Luật Đường bộ năm 2024
Lượt xem: 217

(binhthuan.gov.vn) Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (sau đây gọi là Luật Đường bộ năm 2024), thay thế Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14. Luật gồm 06 Chương, 86 Điều tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đường bộ và tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính. Đối với các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện và phương tiện tham gia giao thông đường bộ đã đưa vào điều chỉnh trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. gồm các nội dung sau đây:

  Chương I. Quy định chung gồm 07 Điều (từ Điều 1 đến Điều 7); Chương II. Kết cấu hạ tầng đường bộ gồm 36 Điều (từ Điều 8 đến Điều 43); Chương III. Đường bộ cao tốc gồm 12 Điều (từ Điều 44 đến Điều 55). Đây là 01 Chương mới và đặc biệt quan trọng quy định cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường cao tốc, tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển đường cao tốc; Chương IV. Vận tải đường bộ gồm 25 Điều (từ Điều 56 đến Điều 80); Chương V. Quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ gồm 03 Điều (từ Điều 81 đến Điều 83): Quy định rõ các nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 81). Sửa đổi quy định về thanh tra đường bộ, theo đó thanh tra đường bộ có nhiệm vụ sau đây: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đơn vị thực hiện dịch vụ hỗ trợ vận tải; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, trừ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe của lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan;  Chương VI. Điều khoản thi hành gồm 03 Điều (Điều 84 đến Điều 86). So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện (Điều 86) và bổ sung mới 01 điều để sửa đổi, bổ sung Luật Phí và lệ phí, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Điện lực (Điều 84).

Để triển khai thi hành Luật Đường bộ kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành địa phương để đảm bảo các điều kiện triển khai thi hành Luật. Tại Kế hoạch đã quy định: “Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Cơ quan được phân công chủ trì thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể quy định trong Kế hoạch này có trách nhiệm chủ động sắp xếp, bố trí kinh phí trong nguồn ngân sách được giao và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan để thực hiện.

Dự báo tác động chính sách: Luật Đường bộ năm 2024 được thông qua với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động đường bộ; không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và không mở rộng bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ ở trung ương và địa phương. Đáng chú ý, Luật Đường bộ năm 2024 đã đưa ra các chính sách mang tính đột phá để huy động tối đa các nguồn lực xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đồng bộ, đặc biệt là đường cao tốc; cơ cấu lại các loại hình kinh doanh vận tải để có những điều chỉnh phù hợp với nội hàm của các loại hình, đảm bảo công bằng, minh bạch; nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn vận tải đường bộ tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh.

Ngoài ra, Luật Đường bộ năm 2024 cũng đã có các quy định quan tâm đến đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai như: khi đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ có giải pháp thiết kế, xây dựng công trình để phục vụ người khuyết tật, người già và các đối tượng khác tham gia giao thông thuận lợi, an toàn; thực hiện việc miễn giảm giá vé đối với người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật; không được gây khó khăn đối với hành khách là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ mang thai; bố trí chỗ ngồi ưu tiên cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai.

Những điều cần lưu ý khi thực hiện Luật Đường bộ: (a) Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2024; (b) Các quy định chuyển tiếp: Đối với dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Luật này thì được tiếp tục đầu tư theo quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật này và các tuyến đường cao tốc quy định tại khoản 1 Điều này thì lộ trình đầu tư xây dựng đáp ứng quy định của Luật này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Để triển khai thi hành Luật đường bộ năm 2024 thì cần phải xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về Luật Đường bộ; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật pháp luật liên quan đến hoạt động đường bộ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Đường bộ./.

 

Hải Lam Phương

 

Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1