Một số vướng mắc khi kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
(binhthuan.gov.vn)
Ngày 12/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP
về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
vàcó hiệu lực thi hành từ ngày 31 tháng 3 năm 2020. Qua hơn 03 năm triển khai
thi hành trong thực tiễn, đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được
tháo gỡ… cụ thể:
Về thực hiện kết
luận kiểm tra, điều 17 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP quy định: Trong thời hạn
30 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận kiểm tra, đối tượng được kiểm tra, cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện kịp thời
và đầy đủ các nội dung kiến nghị đã được nêu tại kết luận kiểm tra. Trường hợp
kết luận kiểm tra có nhiều nội dung, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ
quan, tổ chức, cá nhân thì đối tượng được kiểm tra phải lập kế hoạch thực hiện
kết luận kiểm tra.
Như vậy, dù nội dung kết luận kiểm tra liên
quan một đơn vị hay có nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau có liên quan thì thời
hạn triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chỉ có 30 ngày (kể cả thứ
7, chủ nhật và ngày lễ, Tết). Quy định này khi áp dụng vào thực tiễn đã bộc lộ
điểm chưa phù hợp. Bởi, với thời hạn 30 ngày không đủ để triển khai nội dung
kết luận kiểm tra có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau và
tổng hợp báo cáo từ các đơn vị có liên quan thành báo cáo chung theo yêu cầu
của Đoàn kiểm tra (đặc biệt là đối với những ngành có địa bàn hoạt động rộng,
đi lại khó khăn như kiểm lâm, kiểm ngư…). Để khắc phục, đa số các đơn vị khi
được hỏi đều có chung đề xuất cần điều chỉnh quy định về thời gian tại điều 17
nêu trên. Cụ thể, đối với kết luận chỉ liên quan đến một đơn vị thì thời hạn tổ
chức thực hiện và hoàn thành báo cáo thực hiện kết luận kiểm tra là 30 ngày;
đối với kết luận có liên quan đến nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau thì thời hạn
tổ chức thực hiện và hoàn thành báo cáo thực hiện kết luận kiểm tra là 45 ngày.
Về xử lý kỷ luật, theo quy định tại
điều 23 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi
phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy
theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng mức xử lý kỷ luật với mức thấp
nhất là khiển trách, đến cao nhất là buộc thôi việc (từ điều 24 đến điều 29 của
Nghị định này). Tuy nhiên, Nghị định số 19/2020/NĐ-CP không quy định số lần vi
phạm, mức độ vi phạm để làm căn cứ xử lý. Do vậy, đã gây lúng túng cho cơ quan,
địa phương khi áp dụng quy định trên. Để quy định pháp luật được thực hiện
thống nhất, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi bổ sung các
quy định cụ thể, có tính lượng hóa cao về tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và
tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng cũng như có hướng dẫn chi tiết để làm
căn cứ áp dụng, xử lý trong thực tiễn./.
Hải Lam Phương