Sơ kết 02 năm thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Lượt xem: 77

 

Sở Tư pháp Bình Thuận, cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh ban hành báo cáo số 142/BC-STP ngày 20/6/2024 về sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ (gọi là Đề án); qua sơ kết tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông dự thảo chính sách, trên cơ sở kết quả đạt được về tổ chức quán triệt, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện truyền thông dự thảo chính sách do địa phương chủ trì xây dựng thuộc phạm vi của Đề án. Trong 02 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo Sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện quán triệt, triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg, cụ thể như: Kế hoạch số 2334/KH-UBND ngày 21/7/2022 triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 1070/KH-UBND ngày 31/3/2023 về thực hiện Đề án năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình thuận; Kế hoạch số 3261/KH-UBND ngày 29/8/2023 triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 4112/KH-UBND ngày 25/10/2023 về hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024... Xác định đây là Đề án quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương nên UBND tỉnh và Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh quan tâm chỉ đạo phổ biến, quán triệt ngay nội dung Đề án nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân, tổ chức, doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo chính sách.

 

 

Đối tượng truyền thông là các dự thảo chính sách có đủ các tiêu chí: Là các chính sách được ban hành trong các văn bản QPPL mà Luật Ban hành văn bản QPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; chính sách có tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; chính sách có tác động trên phạm vi toàn tỉnh. Nội dung truyền thông dự thảo chính sách phải bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động, bao gồm các vấn đề chủ yếu sau: Sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản của chính sách; nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau; các nội dung khác cần thông tin rộng rãi đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội (nếu có).

 

Hình thức truyền thông về dự thảo chính sách: Đối với các dự thảo chính sách thuộc đối tượng truyền thông, tài liệu truyền thông về dự thảo chính sách phải được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời khi gửi hồ sơ đề nghị tham gia góp ý kiến, thẩm định đối với đề nghị xây dựng văn bản QPPL và dự thảo văn bản QPPL, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi tài liệu truyền thông về dự thảo chính sách đến Văn phòng UBND tỉnh và Sở Tư pháp (gửi cùng với hồ sơ đề nghị tham gia góp ý kiến, thẩm định) để đăng tải trên chuyên mục tuyên truyền phổ biến pháp luật/Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và Trang Fanpage Facebook của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh. Các hoạt động truyền thông bao gồm tổ chức hội thảo, họp báo, phát sóng trên đài truyền hình, đài phát thanh, đăng tải trên báo chí, và sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông tin về các dự thảo chính sách... nhằm đảm bảo người dân và các tổ chức trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiểu rõ hơn về các dự thảo chính sách.

 

 

Qua 02 năm triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, các Sở, ngành đã tổ chức truyền thông 07 dự thảo Nghị quyết theo quy định tại khoản 4, Điều 27 Luật Ban hành văn bản QPPL, cụ thể như: Truyền thông dự thảo Nghị quyết “Quy định mức chi hỗ trợ Chương trình đào tạo Vận động viên thể thao cơ sở tỉnh Bình Thuận”; Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 18/11/2022 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030 và Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 10/11/2023 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND; Nghị quyết số 06/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết Chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh; dự thảo Nghị quyết “Quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức được đều động, luân chuyển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”; dự thảo Nghị quyết “Quy định một số nội dung chi, mức chi đặc thù cho công tác Y tế dự phòng - Dân số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung “Nghị quyết số 65/2018/NQ-HĐND ngày 20/7/2018 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND các cấp trên địa tỉnh”.

 

Căn cứ vào điều kiện, yêu cầu thực tiễn và đối tượng, địa bàn cụ thể, cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản QPPL phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức truyền thông dự thảo chính sách, gồm: Truyền thông về dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng, địa bàn để cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; chú trọng phát huy đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp, luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ làm công tác thực tiễn và đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến chính sách tham gia đóng góp ý kiến; tổ chức truyền thông dự thảo chính sách tại địa bàn cơ sở thông qua hệ thống loa truyền thanh, niêm yết tại bảng tin, màn hình tại khu dân cư, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở và các hình thức phù hợp khác; thực hiện việc tích hợp, chia sẻ để đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách trên các ứng dụng phần mềm về phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm thống nhất, liên thông, cập nhật, tăng cường tương tác với người dân, tổ chức, doanh nghiệp và tổ chức truyền thông thông qua các ứng dụng mạng xã hội và hình thức truyền thông phù hợp khác.

 

Việc bố trí bộ phận chuyên trách/cán bộ tham mưu thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách. Tại cấp tỉnh: Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, ngày 04/7/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện bố trí công chức pháp chế hoặc công chức phụ trách pháp luật tại các đơn vị thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách và quan tâm đến công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật; tập trung tổ chức tập huấn cho đội ngũ công chức pháp chế các Sở, cơ quan, tổ chức cấp tỉnh; báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện về kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật; tham gia các Hội nghị tập huấn điểm cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã về kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật do Bộ Tư pháp và Bộ, ngành Trung ương tổ chức. Đối với cấp huyện: Việc bố trí bộ phận chuyên trách/cán bộ tham mưu thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách: UBND huyện thường xuyên quan tâm sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ bảo đảm hoàn thành tốt công tác Tư pháp. Đội ngũ cán bộ, công chức phải kiêm nhiệm nhiều đầu công việc, chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên; biên chế một số cơ quan, đơn vị quá ít trong khi khối lượng công việc chuyên môn ngày càng nhiều, chưa bảo đảm được nguồn nhân lực cho công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách tại địa phương.

 

Bước đầu để triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh giao Sở Tài chính trên cơ sở dự toán hàng năm của các Sở, ngành và địa phương tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh cân đối trong kinh phí sự nghiệp hàng năm của các Sở, ngành để thực hiện kế hoạch phù hợp khả năng ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cũng huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, những người hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định của pháp luật. Trong năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông được phân khai hơn 1,6 tỷ đồng để thực hiện hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí, trong đó có truyền thông dự thảo chính sách. Từ năm 2023 đến nay, công tác truyền thông chính sách và truyền thông dự thảo chính sách ngày càng nhận được sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành; trong đó có sự quan tâm về kinh phí thực hiện truyền thông chính sách.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Đề án như: Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác truyền thông dự thảo chính sách còn thiếu, không có cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu tại các phòng, ban, ngành của huyện và cấp xã mà chỉ kiêm nhiệm khi có nhiệm vụ, khả năng tổ chức thực hiện, áp dụng chính sách của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu chưa sâu sát, thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong công tác này; tuy công tác chỉ đạo truyền thông chính sách có sự quan tâm hơn trước, nhưng vẫn còn một số cơ quan tuyên truyền chưa nhận được sự quan tâm đúng tầm về vai trò của truyền thông dự thảo chính sách góp phần xây chính sách pháp luật nên công tác truyền thông và phối hợp truyền thông chưa được đồng bộ; một số kênh truyền thông vẫn chưa tiếp cận được đầy đủ đối tượng công chúng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

 

 

Hải Lam Tường

Sở Tư pháp Bình Thuận

Cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
Video tuyên truyền
  • Năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023
  • Bãi biển lagi ở Bình Thuận rất đẹp
  • Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng Phan Thiết
  • Bình Thuận Nông thôn mới 12-9-2019
  • Buổi sáng nơi Cảng cá Cồn Chà Bình Thuận
  • Đảm bảo hoạt động kinh tế và đời sống tại Bình Thuận phát triển ổn định
  • Phóng Sự Làng Chài Mũi Né
  • Khu du lịch Biển Đá Vàng
  • Du lịch Tà Cú - Bình Thuận
  • Mũi Kê Gà - Phan Thiết đẹp bất ngờ
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1